VNPT Nghệ An: Chủ động cao để có cơ hội hỗ trợ đơn vị bạn trong bão lụt (2014-04-01 14:37:31)

Tại Hội nghị Tổng kết công tác PCBL-GNTT năm 2013 của Tập đoàn vừa được tổ chức mới đây, Cụm trưởng Cụm KD – PCTT số 4 VNPT Nghệ An là 1 trong 6 đơn vị được nhận Bằng khen của Bộ TT&TT về thành tích xuất sắc trong công tác PCBL-GNTT năm 2013, mà nổi bật là thành tích đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị bạn khắc phục các thiệt hại do thiên tai.

Trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị, Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy PCBL-GNTT của Tập đoàn Phạm Vĩnh Thọ cho biết, Cụm KD – PCTT số 4 nói chung và Cụm trưởng VNPT Nghệ An nói riêng được Ban chỉ huy PCBL-GNTT của Tập đoàn đánh giá rất cao về sự chủ động, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác PCBL.

Sự hỗ trợ của VNPT Nghệ An ở đây không chỉ là về điều chuyển thiết bị khi đơn vị bạn cần mà còn cả sự hỗ trợ về nguồn lực con người. Khi chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị trong công tác này tại Hội nghị, Giám đốc VNPT Nghệ An Trần Thanh Thủy khiếm tốn chia sẻ: “Trong mùa mưa bão 2013, VNPT Nghệ An may hơn các đơn vị khác trong Cụm là không bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão lớn nên cũng có cơ hội để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các đơn vị trong Cụm nhiều hơn. Có những đoàn anh em đi hỗ trợ mất 2-3 tuần nên song song với giao nhiệm vụ, Lãnh đạo VNPT Nghệ An cũng động viên tinh thần kịp thời để anh em hoàn thành nhiệm vụ. Với những đoàn đi hỗ trợ như vậy, Lãnh đạo VNPT Nghệ An cũng chủ động sử dụng kinh phí của đơn vị và quán triệt trong hoàn cảnh bão lũ như vậy anh em cố gắng tối đa không để đơn vị bạn phải lo cho mình”.

Vì cũng nằm trong khu vực thường xuyên có bão lũ, để có thể vừa hỗ trợ được các đơn vị bạn đồng thời không ảnh hưởng đến công tác SXKD của chính mình thì trước hết VNPT Nghệ An cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án ứng phó với thiên tai và rất chủ động trong các phương án khắc phục hậu quả

Được biết, năm 2013, VNPT Nghệ An có sớm thay đổi mô hình tổ chức theo hướng chuyên biệt hóa. Theo đó, ngoài Trung tâm ứng cứu xử lý thuộc Viễn thông tỉnh, tại các TTVT trực thuộc đã giải tán mô hình các Đài viễn thông khu vực để thành lập Tổ Kinh doanh và Tổ kỹ thuật. Trong Tổ kỹ thuật có một bộ phận thực hiện nhiều nhiệm vụ (thu nợ, kinh doanh, sửa chữa đường dây thuê bao…) và một bộ phận kỹ thuật chuyên trách có chất lượng công tác phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng mạng lưới và công tác ứng cứu xử lý.

Theo kinh nghiệm khắc phục hậu quả bão lụt trong đó những công việc đầu tiên cần làm là khôi phục các tuyến truyền dẫn vì thế trong mùa mưa bão, VNPT Nghệ An luôn duy trì một cơ số khá lớn cáp quang và các phụ kiện quang, thiết bị máy móc dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng và được phân bổ hợp lý theo vị trí địa lý để rút ngắn thời gian xử lý cho các khu vực lân cận khi cần:

Các quy định, quy chế về ứng cứu xử lý sự cố được ban hành như “Quy định quản lý, khai thác, sử dụng vật tư, thiết bị Viễn thông dự phòng phục vụ ứng cứu thông tin”, “Quy định thực hiện ứng cứu nguồn điện BTS/NodeB theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo hiệu quả mạng lưới”. Công tác duy tu, củng cố mạng lưới và kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão được đôn đốc, kiểm tra sát sao để có thể kịp thời khắc phục các tồn tại.

Để hoàn thành một trong những nhiệm vụ của trọng của VNPT trong việc phục vụ thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp trong bão lũ, các thiết bị điện thoại vệ tinh Inmarsat, xe ô tô Inmarsat chuyên dụng của VNPT Nghệ An luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.

Qua các đợt hỗ trợ đơn vị bạn khắc phục hậu quả bão lụt năm vừa qua, VNPT Nghệ An đã rút ra một số kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và phối hợp triển khai như : Vật tư dự phòng phải có cơ số dư, đặc biệt là cáp quang và phụ kiện quang. Chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị khác trong Cụm ít bị ảnh hưởng để cùng thống nhất phương án hỗ trợ về vật tư, thiết bị, nhân lực, nhằm sớm ổn định SXKD. Phối hợp chặt chẽ với các Công ty dọc: VNP, VTN, VDC, BĐTƯ về phương án xử lý khắc phục ưu tiên cũng như hỗ trợ các VTT về MFĐ, thiết bị, nhân lực...

Giám đốc VNPT Nghệ An Trần Thanh Thủy cho biết, để có thể vừa hỗ trợ tốt cho các đơn vị bạn lại vừa không bị ảnh hưởng nhiều đến SXKD của đơn vị mình thì tại các đơn vị trực thuộc phải có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, sẵn sàng điều động phục vụ bất cứ nơi đâu mà không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị đó. Các thành viên ứng cứu xử lý sự cố phải thường xuyên được tập huấn đào tạo chuyên sâu về kỷ năng xử lý sự cố. Sau mỗi lần ứng cứu trong mùa bão phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và chia sẻ với các đơn vị khác.

Thúy Quỳnh

(--- Nguồn tin: TT&QHCC ---)