Từ mạng di động bình dân đến người hùng viễn thông thế giới (2014-10-16 09:16:53)

Sau hơn 10 năm tham gia thị trường thông tin di động, Viettel không chỉ biểu tượng cho giá cước rẻ, chống độc quyền tại Việt Nam mà đã có những bước tiến mạnh mẽ ra thế giới với biểu tượng “người hùng mới”.

Normal
Nguyễn Đức Tâm An - Thủ khoa kép Đại học sư phạm Hà Nội (bên trái) và Lương Huyền Thanh – Thủ khoa đầu vào Đại học Sân khấu Điện ảnh (bên phải) đều chọn nhà mạng quân đội. Ảnh: Hà My    

Năm 2010, khi đỗ thủ khoa đầu vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Đức Tâm An được tặng một chiếc điện thoại di động kèm sim, cùng tài khoản gọi, SMS miễn phí hàng tháng. Lúc đó, Viettel là hãng viễn thông đi đầu trong việc đưa ra các chính sách ưu đãi vô điều kiện với tầng lớp sinh viên, cũng như học sinh phổ thông. Vào thời điểm đó, không có nhiều người nghĩ việc ưu đãi vô điều kiện cho đối tượng học sinh, sinh viên (những người chưa tạo ra thu nhập) là một chiến lược tốt bởi nó khiến doanh thu của nhà mạng bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, cũng giống như chiến lược “di động cho mọi người” từ năm 2004 khi dịch vụ này được mặc định chỉ dành cho nhà giàu, thị trường viễn thông đã có những thay đổi lớn kể từ khi Viettel chọn cách làm khác. Điện thoại di động từ chỗ là một dịch vụ xa xỉ giờ đã trở thành bình dân, cho mọi người đến anh xe ôm, chị giúp việc… đều có thể sử dụng và Viettel chính là người đã khởi xướng và tạo ra cuộc cách mạng đó. Đây là lý do thương hiệu này được tặng danh hiệu không chính thức người hùng chống độc quyền viễn thông ở Việt Nam.

Năm 2014, khi Nguyễn Đức Tâm An ra trường – cũng với vị trí thủ khoa (đầu ra), mạng di động mà cô bạn này dùng vẫn là Viettel. Tâm An chia sẻ: “Mình sẽ không bao giờ đổi số, bởi đây không chỉ là kỷ niệm mà đã trở thành đặc trưng của riêng bản thân mình”. Cô bạn này cho biết thêm, ngoài giá cước hợp túi tiền sinh viên, nhiều ưu đãi, đây là nhà mạng quân đội cũng khiến việc sử dụng an tâm hơn.

Normal

Viettel đến Haiti đầu tư và tạo ra một kỳ tích thế giới về xây dựng cơ sở hạ tầng tại quốc gia vừa trải qua thảm hoạ về động đất.   Ảnh: Hưng Trần

Không chỉ có Tâm An, 109 thủ khoa đại học đầu ra khác tại các trường ở Hà Nội cũng dùng mạng di động Viettel – số liệu thống kê được phát hiện ngẫu nhiên khi tổ chức sự kiện cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trên địa bàn thủ đô. Nhiều người trẻ tuổi khác đại diện cho một thế hệ trẻ tài năng cũng dùng Viettel một cách ngẫu nhiên: Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDIRECT (người làm CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam khi mới 24 tuổi); Lã Hồ Thị Minh Khuê (cô gái trường Amsterdam đoạt học bổng 6,4 tỷ đồng của trường kinh doanh Harvard)….

Những thế hệ người dùng di động mới chọn hoà mạng Viettel với tỷ lệ rất cao giờ đây không còn vì giá rẻ như trước nữa mà còn bởi những đặc tính mà thương hiệu này đại diện cũng như tiện ích mang lại. Cùng với sự bùng nổ của làn sóng 3G và smartphone, Viettel là công ty dẫn đầu về hạ tầng 3G với hơn 26.000 trạm BTS (trong khi tổng số trạm 3G của tất cả các mạng tại Việt Nam là 40.000). Nhưng điểm quan trọng hơn, danh tiếng của thương hiệu viễn thông quân đội đã vượt khỏi biên giới Việt Nam.

Chỉ sau 2 năm đầu tư tại Lào và Campuchia, Unitel và Metfone (thương hiệu của Viettel tại đây) đã vọt lên vị trí số 1 toàn diện về viễn thông (hạ tầng, thuê bao, doanh thu) tại 2 quốc gia này. Sự góp mặt của Viettel đã góp phần đưa mật độ phổ cập viễn thông tại Lào và Campuchia tăng vọt, giá cước giảm rất mạnh. Đến nay, Unitel và Metfone đang trên đường trở thành 2 công ty lớn nhất tại 2 quốc gia láng giềng (trên mọi lĩnh vực). Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử viễn thông thế giới.

Còn tại Haiti, cam kết tiếp tục đầu tư tại quốc gia vừa xảy ra thảm hoạ động đất khiến hơn nửa triệu người chết năm 2010 đã khiến làng viễn thông thế giới bị sốc. Sự kiện này khiến hãng tin AP (Mỹ) có hẳn một bài phân tích chuyên sâu với tiêu đề “Quân đội Việt Nam trở thành vị cứu tinh của ngành viễn thông Haiti”. Một năm sau đó, khi Viettel khai trương mạng viễn thông có hạ tầng lớn hơn cả hãng lớn nhất trước đó, tăng gấp 20 lần số cáp quang của Haiti, góp phần giảm 20% cước… thì đó đã trở thành câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Rồi đến Mozambique, Đông Timor – những câu chuyện thành công như trong mơ của Viettel tại đây cũng khiến nhiều chuyên gia của thế giới khó hiểu. Bởi một quốc gia từng lạc hậu về viễn thông như Việt Nam lại có công ty liên tục tạo ra kỳ tích tại nước ngoài là điều tưởng như không thể. Sự góp mặt của Viettel tại nhiều quốc gia đã đóng góp quan trọng vào việc phổ cập dịch vụ viễn thông đến mọi người, chống độc quyền, giảm giá cước… và tạo ra những kỳ tích về phát triển đã khiến Viettel trở thành biểu tượng mới của làng viễn thông thế giới.

Tại Việt Nam, sau 10 năm tham gia thị trường thông tin di động, người dùng không còn chọn Viettel đơn thuần vì giá cước rẻ hay khuyến mại nhiều như trước (bởi các hãng đều tương tự nhau). Giờ đây, khi sử dụng mạng di động của quân đội, người dùng có thêm niềm tự hào là khách hàng của thương hiệu Việt Nam tạo ra những kỳ tích về viễn thông trên thế giới.

Trong số hàng loạt sim di động của các nhà mạng với mức giá như nhau, liệu bạn có bỏ qua thương hiệu mang biểu tượng người hùng mới của làng viễn thông thế giới với hạ tầng 3G lớn nhất Việt Nam hay không?

Hoàng Quân

(--- Dân Trí ---)