Nghệ An: Nan giải bài toán lưu giữ làng nghề truyền thống (2013-04-14 03:24:56)

Nghề truyền thống do cha ông để lại từ năm này sang năm khác lưu truyền cho nhau, bên cạnh lợi ích kinh tế còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Có một thực tế hiện nay, các làng nghề truyền thống cầm chừng, nguy cơ mai một.

Lưu giữ làng nghề truyền thống không những là bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế. Thế nhưng, khi tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến cho nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An dần bị mai một, không ít làng nghề chỉ còn lưu truyền trong ký ức.

 

Cuối năm 2012, tỉnh Nghệ An có gần 400 làng có nghề, 119 làng nghề, trong đó phải kể đến Quỳnh Lưu với 28 làng nghề, Nghi Lộc 20 làng nghề, Diễn Châu 18 làng nghề... Nhiều nhất phải kể đến làng nghề mây, tre đan với 43 làng, 24 làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, 14 nghề mộc dân dụng kỹ nghệ... Làng nghề truyền thống tuy không nhiều nhưng để giữ gìn nghề cha ông xưa để lại là một bài toán khó.

 

Nghề truyền thống do cha ông để lại từ năm này sang năm khác lưu truyền cho nhau, bên cạnh lợi ích kinh tế còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Có một thực tế hiện nay, các làng nghề truyền thống cầm chừng, nguy cơ mai một. Những sản phẩm này chỉ còn lại trong hồi ức của các bậc lão làng hoặc may mắn một vài người trong làng còn biết và giữ nghề.

 

Ngược lên miền Tây xứ Nghệ đến với huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, nơi còn lưu giữ được sắc màu thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm ở Nậm Cắn và nghề dệt thổ cẩm Hữu Lập ở huyện Kỳ Sơn là nghề truyền thống đặc trưng của người dân tộc Thái. Những tấm khăn choàng, những chiếc váy mềm mịn, màu sắc bắt mắt với họa tiết hoa văn phong phú chiếm được tình cảm của khách miền xuôi cũng như các nước bạn.

 

Trước, thổ cẩm Kỳ Sơn có đầu ra, có thu nhập cho bà con, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều người lao động vùng cao. Thế nhưng, nghề dệt thổ cẩm hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Bản Noọng Dẻ thuộc xã Nậm Cắn có 114 hộ đang có nhiều bước chuyển mình nhờ phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm.

 

Tranh thủ những lúc không lên nương rẫy, bên khung cửi, chị em bản Noọng Dẻ lại dặt dìu bởi tiếng thoi đưa. Khi những sản phẩm dệt may mặc lấn áp, nghề dệt thổ cẩm Noọng Dẻ có lúc đứng trước nguy cơ mai một.

 

Nhớ đến tổ tiên, người dân trong bản quyết tâm giữ nghề, lớp trước truyền cho lớp sau, không ai nỡ vứt bỏ khung cửi khỏi hiên nhà. Ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương là một trong những bản vẫn còn duy trì nghề của cha ông xưa để lại. Bản hiện có 2 xóm, có khoảng 30 - 40 người còn theo nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm làm ra rất được ưa chuộng, dễ dàng tiêu thụ, chủ yếu đưa sang Lào, hay chợ biên...

 

Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm ở bản Mác quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, hướng sản xuất hàng hóa chưa cao. Nghề dệt thổ cẩm thủ công đang đứng trước sự cạnh tranh về giá thành, mẫu mã và số lượng của những sản phẩm dệt công nghệ.

 

Trong khi các làng nghề có sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành, mẫu mã, thị trường tiêu thụ thì hiện nay, một số làng nghề truyền thống bị mai một dần bởi bài toán về nguyên liệu. Đan lát là nghề thủ công có truyền thống lâu đời và nổi tiếng của người Khơ mú ở miền Tây Nghệ An. Bản Đỉnh Sơn 1 thuộc xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn là một trong những bản vẫn duy trì được nghề. Sản phẩm chủ yếu là mâm và ghế nhưng chỉ đem lại nguồn thu nhập hàng ngày.

 

Hiện nay, nguyên liệu mây ngày một khan hiếm, phải lặn lội vào rừng, đường đi lại khó khăn nên đã kìm hãm sự phát triển của nghề mây, tre đan. Hay như làng nghề chiếu cói ở Hưng Hòa, TP Vinh, trải qua nhiều sóng gió lúc thịnh lúc suy nhưng không ai nỡ bỏ cái nghề này được. Sản phẩm chiếu cói Hưng Hòa có sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm chiếu cói ở nơi khác, nhưng diện tích trồng cói đang bị thu hẹp lại ưu tiên cho các dự án nuôi trồng thủy sản. Nguyên liệu không có, đi mua ở xa giá cả đắt đỏ.

 

Sau đó, một loạt dự án được xây dựng trên diện tích trồng cói và diện tích nuôi trồng thủy sản khiến cho nghề dệt chiếu cói giờ đây dần mất đi. Cũng giống như ở Hưng Hòa, nghề giấy dó ở Nghi Phong, huyện Nghi Lộc cũng là nghề lưu truyền tổ nghiệp của cha ông xưa. Đây là nghề khéo léo và thuần thục.

 

Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó tươi (ở địa phương thường gọi là cây niết). Người ta phải lên rừng để mang về. Nếu may mắn thì mua được từ những người buôn khác trong vùng. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đã xuất hiện rất nhiều loại giấy hiện đại của các công ty làm giấy lớn. Nguyên liệu khan hiếm, đi lại khó khăn cùng với việc cạnh tranh của thị trường làm cho làng nghề giấy dó Nghi Phong chững lại.

 

Để bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống lâu đời đang có nguy cơ mai một, thất truyền, theo ông Trần Văn Huy - Trưởng phòng Tư vấn chính sách, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm thực hiện NQ 06 của Tỉnh ủy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề, Liên minh HTX thường xuyên nắm bắt, đánh giá và đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể như tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra thông qua các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

 

Đặc biệt, xây dựng tổ chức kinh tế, cụ thể là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và HTX. Xem đây là giải pháp xương sống, làm “bà đỡ” cho các làng nghề. Một làng nghề ổn định, bền vững là một làng nghề có tổ chức kinh tế được xây dựng vững chắc...

 

(--- Báo Nghệ An ---)