Nghệ An cơ bản khống chế dịch tai xanh ở lợn (2013-04-14 03:24:45)

Cùng với nhiều địa phương khác của cả nước, bắt đầu từ đầu ngày 6 tháng 3, địa bàn Nghệ An đã bắt đầu xuất hiện dịch tai xanh tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành. Đến ngày 4/4 dịch đã xuất hiện ở 27 xã, thuộc 5 huyện. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản dịch tai xanh đã được khống chế, không còn xuất hiện các ổ dịch mới.

Xã Diễn Kim là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tai xanh của huyện Diễn Châu. Các biện pháp kỹ thuật như rải vôi bột, phun hóa chất benkocid để tiêu độc, khử trùng, tiêm vaccin tai xanh bao vây đàn lợn đã được triển khai, tiến hành lập chốt ngăn chặn vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn. Với một số hộ dân, như gia đình ông Nguyễn Xuân Thìn nhờ thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng chống, dập dịch nên đã bảo vệ được đàn lợn 10 con an toàn.

Xã Quỳnh Tân của huyện Quỳnh Lưu có tổng đàn lợn gần 10.000 con. Chăn nuôi liên quan đến đời sống kinh tế của các hộ gia đình nên khi xuất hiện dịch vào ngày 19/3, địa phương và người dân đã vào cuộc quyết liệt để khống chế sự lây lan của dịch. Từ ngày 4/4 đến nay, xã Quỳnh Tân đã không còn xuất hiện ổ dịch nào mới. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng diễn ra, dịch tai xanh đã làm ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân thuộc 3 xóm, phải tiêu hủy 162 con lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn lợn tại Diễn Châu

Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, đến ngày 13/4 diễn biến dịch tại các địa phương cơ bản đã giảm mạnh. Dịch tai xanh đã ảnh hưởng đến gần 800 hộ dân, phải tiến hành tiêu hủy trên 1.500 con lợn, với tổng trọng lượng gần 100 tấn. Chi cục Thú y đã cấp gần 6.700 lít hóa chất Benkocid, chưa kể lượng vôi bột do các địa phương cung ứng; 63.000/95.000 liều vaccin tai xanh hiện có cũng được cấp về cho các địa phương để tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn tại các xã có dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Mặc dù được đánh giá cao trong nỗ lực và hiệu quả khống chế, dập dịch nhưng thực tế cũng cho thấy, trước và thời gian đầu diễn ra ra dịch tai xanh, chính quyền cơ sở và hộ chăn nuôi của nhiều địa phương đã không thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà nghành chức năng đã triển khai, khuyến cáo.

Thực tế cũng cho thấy, sự xuất hiện dịch tai xanh lần này tại một số địa bàn được nhận định là tái phát do sự tồn tại của vi rút tồn tại trong môi trường ở các ổ dịch trước đó. Trong khi đó, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng không đúng quy trình nên đây đang là một trong nguy cơ cao trong công tác phòng dịch, nhất là vào thời điểm có độ ẩm cao như hiện nay.

Trong những ngày tới, tại các điểm có dịch, Sở NN & PTNT, Chi cục Thú y và các địa phương sẽ tiếp tục tiến hành theo dõi một cách sát sao. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tiềm phòng vaccin tai xanh ở các vùng chăn nuôi lợn bị uy hiếp. Ngoài ra, đề nghị TW hỗ trợ thêm 50.000 liều vaccin để dự phòng. Một vấn đề khó khăn đang đặt ra đối với người dân, đó là khôi phục chăn nuôi sau dịch khi mà gần 30% số lợn tiêu hủy đều là lợn nái sinh sản. Tình trạng này đang gây ra tình trạng khan hiếm lợn giống ở các địa phương.

 

(--- Báo Nghệ An ---)