Ngành Thông tin và Truyền thông đồng lòng hướng về Biển đông (2014-05-20 16:03:23)

Những ngày qua, cùng với cả nước, ngành Thông tin và Truyền thông đã có nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay, trong đó nổi bật là sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông…

 

Tiếp nhận bộ Atlas thế giới - tư liệu quý khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trong tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới, xuất bản ở Bruxelles 1827, trong đó có một số tư liệu bản đồ có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Việc tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá là một phần trong nhiều hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, các học giả, Việt kiều yêu nước tổ chức Triển lãm, trưng bày bản đồ và tư liệu lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có kế hoạch đưa ra nước ngoài nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ Atlas Thế giới 6 tập xuất bản tại Bruxells năm 1827 xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Trong bộ Atlas này các đường biên giới, các phạm vi lãnh thổ, lãnh hải được phân định rõ ràng, mạch lạc và rất dễ nhận biết. Quý vị nếu thấy có gì cần phải xác minh thì có thể nhanh chóng kiểm tra trên mạng hay trực tiếp nghiên cứu các bản nguyên gốc được lưu trữ trong nhiều thư viện, kho sách ở châu Âu, châu Mỹ... và bây giờ là ở Hà Nội, Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Bộ Atlas thế giới Bruxelles1827 mà Bộ tiếp nhận ngày hôm nay

Doanh nghiệp di động gửi tin nhắn tuyên truyền chỉ đạo của Thủ tướng

Trước những vấn đề phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông cũng như ở tại các khu công nghiệp, vừa qua, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn tới hàng chục triệu thuê bao về nội dung thông điệp của Thủ tướng.

Và VinaPhone là nhà mạng thực hiện đầu tiên việc nhắn tin kêu gọi mọi người người dân Việt Nam góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. VinaPhone đã thực hiện nhắn tin đến tất cả các thuê bao sử dụng dịch vụ của mạng này để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh trật tự.

Tin nhắn được gửi cho các khách hàng có nội dung: “Công điện ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Mọi người Việt Nam góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế, không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống”.

Đại diện VinaPhone cho hay, trong thời gian tới VinaPhone sẽ có những hành động, hỗ trợ hợp tác tương tự để góp phần ổn định kinh tế xã hội.

Còn MobiFone, cũng ngay trong ngày 15/5, nhà mạng đã tiến hành gửi tới các thuê bao trong mạng một trong ba nội dung cụ thể.

SMS1: “Thu tuong Chinh phu Nguyen Tan Dung yeu cau va keu goi moi nguoi Viet Nam khong co nhung hanh dong vi pham phap luat, khong nghe theo ke xau, cung nhau giu gin an ninh trat tu, doan ket giup do lan nhau phat trien san xuat kinh doanh, nang cao doi song va gop phan cung ca nuoc bao ve chu quyen thieng lieng cua To quoc theo dung luat phap cua nuoc ta va luat phap quoc te”.

SMS2: “Cong dien ngay 15/5/2014 cua Thu tuong Chinh phu Nguyen Tan Dung: Moi nguoi Viet Nam gop phan cung ca nuoc bao ve chu quyen thieng lieng cua To quoc theo dung luatphap cua nuoc ta va luat phap quoc te, khong co nhung hanh dong vi pham phap luat, khong nghe theo ke xau, cung nhau gin giu an ninh trat tu, doan ket giup do lan nhau phat trien san xuat kinh doanh, nang cao doi song”.

SMS3: “Thu tuong Chinh phu keu goi: Moi nguoi dan hay the hien long yeu nuoc va quyet tam bao ve chu quyen thieng lieng cua To quoc theo dung luat phap cua Viet Nam va luat phap quoc te, khong vi pham phap luat”.

Sau khi gửi tin nhắn tuyên truyền công điện của Thủ tướng Chính phủ, mạng di động VinaPhone tiếp tục tham gia ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng Lao động phát động.

Để tri ân những người con anh dũng đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo lãnh thổ Việt Nam trong hai trận hải chiến Trường Sa (1988) và Hoàng Sa (1974), Chung tay góp sức chia sẻ khó khăn với các cựu binh và thân nhân liệt sỹ Gạc Ma và tử sỹ Hoàng Sa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Để tham gia ủng hộ, khách hàng soạn tin nhắn với nội dung hsts gửi 1407 để ủng hộ 14.000 đồng cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ VN, Quỹ TLV Lao Động phát động từ 11/4 đến 20/6/2014. Phí gửi tin nhắn là 300 đồng/1 tin nhắn.

Sau khi gửi tin nhắn, nếu khách hàng nhận được tin nhắn trả lời với nội dung “Cam on Ban da ung ho 14.000d cho chuong trinh Nghia tinh Hoang Sa, Truong Sa de giup do gia dinh than nhan liet si Truong Sa, tu si Hoang Sa. Phi nhan tin 300d/SMS. DT ho tro 19001530”, thì bạn đã ủng hộ thành công 14.000 đồng cho chương trình.

(--- Nguồn tin: Theo Vnmedia.vn ---)